Diễn biến Đại Hùng (nhà nước)

Đại Hùng đế quốc
1917
Vị thếĐế quốc
Thủ đôThái Nguyên
Ngôn ngữ thông dụngTiếng Việt
Tôn giáo chính
Phật giáo
Chính trị
Chính phủQuân chủ lập hiến
Lịch sử 
• Tuyên bố thành lập
1917
Kinh tế
Đơn vị tiền tệTiền giấy
Tiền thân
Kế tục
Liên bang Đông Dương
Liên bang Đông Dương
Cờ Ngũ tinh liên châu của Việt Nam Quang phục Hội

Trịnh Văn Cấn, viên cai đội (caporal) lính khố xanh ở Thái Nguyên cầm đầu cuộc nổi dậy vào đêm 30 Tháng Tám năm 1917. Ông chỉ huy lực lượng 175 người lính giết giám binh người Pháp, Noël, đoạt khí giới đạn dược, rồi phá ngục, giết cai ngục Loew, giải cứu Lương Ngọc Quyến cùng 203 tù nhân. Nghĩa quân sau đó cướp kho bạc và làm chủ toàn tỉnh lỵ[1], trừ đồn lính khố đỏ cố thủ ở bên bờ sông Cầu.

Trong sáu ngày từ đêm 30 Tháng Tám đến ngày 5 Tháng Chín, quân của Đội Cấn trấn giữ thành Thái Nguyên, lại thu nạp thêm các dân phu mỏ và dân địa phương nâng quân số lên khoảng hơn 600 người. Thành phần lực lượng khởi nghĩa gồm khoảng 130 lính vệ binh, hơn 200 tù nhân, 300 dân phu và dân địa phương.[2] Theo gợi ý của Lương Ngọc Quyến, Đội Cấn chia lực lượng khởi nghĩa thành hai tiểu đoàn, tiểu đoàn thứ nhất gồm các lính vệ binh cũ, tiểu đoàn thứ hai gồm tù nhân và dân quân, chỉ huy là Ba Chi. Trang bị của đội quân này gồm 92 súng hỏa mai và 75 súng trường mà quân nổi dậy thu được từ kho vũ khí của Pháp.

Họ truyền hịch, đợi các nơi hưởng ứng nổi dậy cùng ngoại viện từ bên Trung Quốc và Nhật đến vì tin rằng Việt Nam Quang phục Hội có lực lượng đợi sẵn để trợ lực. Lãnh tụ cuộc khởi nghĩa cũng tuyên bố độc lập, lấy quốc hiệu là "Đại Hùng". Họ trương cờ Ngũ tinh liên châu của Việt Nam Quang phục Hội trên cửa thành.

Vào ngày 2 Tháng Chín năm 1917 thì quân Pháp bắt đầu phản công với đội quân 2.700 người[3] và đến ngày 5 Tháng Chín thì đánh vào tỉnh lỵ. Lương Ngọc Quyến trúng đạn ở đầu chết.[4] Đội Cấn phải triệt thoái khỏi Thái Nguyên chạy về phía bắc. Đến trưa ngày mồng 5 thì Pháp tái chiếm được thành. Số thương vong bên nghĩa quân là 56 người; quân Pháp thiệt mạng 107 người.[5]

Đội Cấn sau đó dẫn quân chạy lên Đại Từ, Tam Đảo rồi xuống Vĩnh Yên, trước khi trở lại vùng Thái Nguyên nhưng lực lượng hao mòn dần. Bị truy nã, ông rút về núi Pháo rồi để không bị bắt ông tự tử bằng súng, bắn vào bụng. Đó là ngày 11 Tháng Giêng năm 1918; cuộc khởi nghĩa chấm dứt. Theo các tài liệu chính thức của Pháp, một vệ sĩ của ông giết ông để lấy thưởng. Người này dẫn quân Pháp đến nơi được coi là mộ của Đội Cấn. Tuy nhiên dù người Pháp không tỏ vẻ nghi ngờ đương sự, họ vẫn cho là Đội Cấn do bị thương nặng, đã yêu cầu thuộc hạ kết liễu đời mình để khỏi rơi vào tay quân Pháp.[6]

Quân Pháp tiếp tục càn quét tàn quân của cuộc khởi nghĩa tới Tháng Ba thì xong, với một chiến thuật mà họ sử dụng rất hiệu quả là bắt giữ thân nhân của quân khởi nghĩa để buộc họ phải ra hàng. Một số người bị bắt bị kết án tử hình, những người khác bị kết án và đày ra Côn Đảo.Trước khi được về đồn trú ở tỉnh lỵ, Đội Cấn đã có một thời gian dài lưu động và đóng quân ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh miền núi chiến lược Thái Nguyên, trong đó có đồn Chợ Chu. Tại đây, Đội Cấn đã từng định nổi dậy chiếm đồn rồi tiến về đánh tỉnh lỵ Thái Nguyên, nhưng không thành.

Đến khi được chuyển về Trại lính khố xanh Thái Nguyên thì dần dà, Đội Cấn đã tập hợp được quanh mình một nhóm hạ sĩ quan và binh lính yêu nước, mà sau này, trong các hồ sơ lưu trữ, thấy được ghi thành các tên: Đội Giá, Đội Trường, Cai Xuyên, Đội Lữ, Đội Nhị, Cai Ưng, Cai Mánh, Ba Chén, Quyền Nhiêu, Quyền Yên, Đội Năm… cùng với cả những người chỉ biết được nghề và số lính, như: Đội Thư lại, Đội số 935…

Tuy nhiên, một tập hợp lực lượng quan trọng của Đội Cấn, chính là các tù nhân trong “Nhà lao Thái Nguyên” (còn di tích để lại ở khu đất Trường Tiểu học Trưng Vương, thuộc tổ 24, phường Trưng Vương, TP Thái Nguyên). Vào tháng 8-1917, nhà tù được ví sánh với “Địa ngục trần gian Côn Đảo” này giam giữ 211 tù nhân, trong đó có 92 “quốc sự phạm”, là những người đã tham gia phong trào khởi nghĩa Yên Thế, cả những chiến sĩ của các phong trào: Đông Du, Duy Tân, Việt Nam Quang phục hội, như: Ba Nho, Ba Lâm, Bếp Ngọc, Ba Thấu, Hai Vịnh, Ba Quốc, Nguyễn Gia Cầu (tức Tú Hồi Xuân), Vũ Khả Lập (tức Vũ Chi), Trần Bá Cư (tức Tú Nghệ), Nguyễn Văn Chí (tức Ba Chí), Hai Hòa (tức Quan Hai Tầu)… và đặc biệt là Lương Ngọc Quyến.

Họ Lương, hiệu là Lập Nham, số tù 1998, lúc này 32 tuổi. Là con trai thứ hai của nhà yêu nước và người sáng lập tổ chức Đông Kinh Nghĩa Thục nổi tiếng Lương Văn Can (tức cụ Cử Can), nhưng tính cả chị gái, nên thường được gọi là “Ba Quyến”.

Sớm có tinh thần yêu nước, kế thừa truyền thống của dân tộc và sự nghiệp của gia đình, Lương Ngọc Quyến đã ở trong số những người đầu tiên tham gia Phong trào Đông Du từ năm 1905, sang Nhật học và tốt nghiệp Trường Quân sự Chấn Vũ, về Trung Quốc vào học Trường Quân nhu Quảng Đông, Trường Sĩ quan Bắc Kinh, trở thành nhà quân sự tài năng, Ủy viên Quân vụ của Bộ Chấp hành Việt Nam Quang phục, được cử về nước hoạt động ở Nam Kỳ năm 1914, bị chỉ điểm, phải lộn trở lại Trung Quốc và bị mật thám Anh bắt giao cho Pháp, giải về nước năm 1915.

Thực dân Pháp biết Ba Quyến là yếu nhân của Việt Nam Quang phục hội, nên dụ dỗ mua chuộc không được đã kết án tù cấm cố chung thân, giam cầm hết vào Đề lao Sơn Tây, Đề lao Phú Thọ, lại đưa về Hỏa Lò, Hà Nội. Và cuối cùng là từ ngày 25-7-1916 đày lên Nhà lao Thái Nguyên, với dã tâm kết liễu cuộc đời của nhà yêu nước bằng sự đối xử cực kỳ tàn bạo ở nơi địa ngục trần gian này.

Nhưng, sau hơn một năm bị đọa đày ở Nhà lao Thái Nguyên, bại liệt nửa người, Lương Ngọc Quyến vẫn tìm mọi cách liên lạc, giác ngộ được những binh sĩ yêu nước, đứng đầu là Đội Cấn ở Trại lính khố xanh và đưa vào kế hoạch tổ chức khởi nghĩa.

Cuộc liên minh giữa lực lượng binh sĩ yêu nước ở Trại lính khố xanh do Đội Cấn chỉ huy và lực lượng tù chính trị trong Nhà lao Thái Nguyên do Lương Ngọc Quyến đứng đầu đã hụt hai lần dự định nổi dậy vào tháng 5 rồi tháng 7-1917, trước khi đi đến quyết định cuối cùng: Sẽ nhất định khởi nghĩa vào cuối tháng 8-1917.

Sở dĩ như vậy là vì đã dội đến tin dữ: Pháp sắp điều động một số lượng lớn lính khố xanh sang chiến trường châu Âu làm bia đỡ đạn trong cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất đang sắp tàn! Và cũng nắm được cả tình hình: Vào cuối tháng, Công sứ Darles, kẻ đứng đầu “tứ hung” (4 tên thực dân gian ác khét tiếng: “Nhất Đác (Darles), nhì Ke (Ecker), tam Be (Galambert), tứ Bít (Bride) sẽ đi “nghỉ mát” ở Đồ Sơn!

Thế là, vào trưa chủ nhật ngày 29-8-1917, Đội Cấn dưới hình thức mời cơm thân mật đã sắp đặt được một Ban chỉ huy khởi nghĩa, gồm: Đội Giá, Đội Xuyên, Đội Năm, Đội Thư lại, Đội số 935 và ấn định: 23 giờ ngày 30-8-1917 sẽ khởi nghĩa.

Đúng hẹn, vào 11 giờ đêm 30-8-1917, Đội Trường và một lính thân tín bắt đầu hành sự: Giết tên Giám binh Noel-chỉ huy Trại lính khố xanh và Ba Chén; chém đầu viên phó quản Lạp-tay sai đắc lực của Giám binh. Hai thủ cấp của chúa Trại được dâng lên Lễ tế cờ. Liền đó, Đội Cấn tuyên đọc tờ Hịch thứ nhất, chính thức phát động cuộc Khởi nghĩa Thái Nguyên.

Hạt nhân của quân khởi nghĩa hình thành, gồm 131 người trong tổng số 175 binh lính ở Trại lính khố xanh (có 30 người bỏ trốn, 10 người già yếu xin nộp súng về nhà…). Đội Cấn-giờ đã trở thành “Thái Nguyên Quang phục quân Đại đô đốc” ra lệnh ngay cho Đội Giá dẫn hơn 100 binh lính chia thành nhiều toán đi sang Nhà lao Thái Nguyên (ở cách Trại lính khố xanh khoảng 400m về phía đông bắc) phá ngục, cứu tù.

Tại đây, quân khởi nghĩa đã giết chết được tên cai ngục Lô-ép (Loew) và mở cửa nhà lao cho tù nhân chạy trốn về Trại lính khố xanh, giữa những làn đạn từ phía “Trại lính Tây” của chủ lực quân sự Pháp đóng ở Thái Nguyên, cách nhà lao 200m, thấy “có biến” đã bắn xối xả tới. 180 tù nhân-có người bị tra tấn thành tàn tật, phải bò lết-thoát thân được về trại lính. Riêng thủ lĩnh Lương Ngọc Quyến-bị liệt nửa người-nhờ có đồng đội cõng chạy, nên cũng thoát được khỏi tù.

Liền sau đấy, nghĩa quân đã triển khai lực lượng đánh chiếm được nhiều vị trí khác ở tỉnh lỵ Thái Nguyên, như: Dinh Công sứ; các công sở: Lục lộ, Điền bạ, Tòa án, Nhà đoan; Kho vũ khí: Lấy được 92 súng “mút-cơ-tông”, 75 súng trường, 1 súng lục, 15 thanh kiếm, hơn 62 nghìn viên đạn; Nhà Bưu điện; Kho bạc...

Vậy là trong vòng nửa đêm (30-8-1917) và một ngày (31-8-1917) chưa đầy 24 giờ đồng hồ, cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917 đã thành công chấn động.

Không chỉ chiếm được tỉnh lỵ và làm chủ tỉnh chiến lược Thái Nguyên, cuộc khởi nghĩa còn thành lập được quân đội (lấy tên là “Quang phục quân Thái Nguyên”) gồm 623 người (trong đó: 131 lính khố xanh, 180 tù nhân được giải phóng, 312 công nhân và nông dân yêu nước trong tỉnh đến gia nhập) do Trịnh Văn Cấn làm “Đại đô đốc”, Lương Ngọc Quyến làm “Quân sư”. Cuộc khởi nghĩa đã tuyên bố đặt quốc hiệu là “Đại Hùng”, định quốc kỳ là “cờ Ngũ Tinh” (nền vàng có 5 ngôi sao đỏ) với hàng chữ “Nam binh phục quốc”.

Hình ảnh của một quốc gia độc lập với quốc kỳ, quốc hiệu và quân đội từng xiết bao mơ ước, vậy là đã thu nhỏ mà huy hoàng xuất hiện và hiên ngang tồn tại, giữa thời Pháp thuộc đen tối, ở tỉnh lỵ Thái Nguyên trong vòng 132 tiếng đồng hồ (từ đêm 30-8-1917 đến trưa 5-9-1917).

Đấy cũng là thời gian mà nghĩa quân đã căng thẳng chuẩn bị và anh dũng chiến đấu, chống lại cuộc đại phản kích và đàn áp khốc liệt của thực dân Pháp vào địa bàn trung tâm của cuộc khởi nghĩa.

Và, sau buổi trưa 5-9-1917, quyết định rút lực lượng khởi nghĩa ra khỏi tỉnh lỵ Thái Nguyên, nghĩa quân vẫn còn có 4 tháng 11 ngày, kiên trì và quyết liệt kéo dài cuộc chiến đấu oanh liệt vì độc lập, tự do của dân tộc và đất nước, trên địa bàn các tỉnh, từ Thái Nguyên đến Vĩnh Yên, Phúc Yên, rồi Bắc Giang, Bắc Ninh, cả Hưng Yên nữa, cho đến ngày 10-1-1918, hy sinh đến người cuối cùng.

Cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên 100 năm trước, tuy bị dập tắt, nhưng cùng với những cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, Đô Lương, đã mở ra và in dấu vào lịch sử đấu tranh anh hùng của dân tộc thời cận đại, ảnh hưởng và cổ vũ mạnh mẽ cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 sau đấy, như lời hát “Tiến quân ca”, từ năm 1944 và cho đến ngày nay, sau 100 năm vẫn vang dội: “Bắc Sơn cùng Đô Lương, Thái Nguyên”!